Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ Đông 2021 các tỉnh phía Bắc (Ảnh: NNVN)
Năm 2020, các tỉnh phía Bắc gieo trồng 375.000 ha cây vụ đông, giảm diện tích so với năm 2019, nhưng lại tăng sản lượng thêm 110.000 tấn. Tổng giá trị cây vụ đông ước đạt 32.628 tỷ đồng, tăng mạnh về giá trị sản xuất trên mỗi hecta lên thêm 3,1 triệu đồng, đạt mức 84,3 triệu đồng/ha.
Một trong những nguyên nhân chính giúp giá trị, thu nhập từ cây vụ đông 2020 cao hơn hẳn là sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đó cũng là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho kế hoạch vụ đông 2021. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung tối ưu hóa giá trị sản xuất, giảm dần sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp.
Bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, vụ Đông 2021 có thêm thuận lợi. Đó là, một số địa phương Trung Quốc đang bị lũ lụt nặng nên diện tích đất nông nghiệp cũng như cây trồng bị thiệt hại lớn, chưa thể khắc phục kịp nên khả năng nhu cầu nhập khẩu có thể tăng cao. Dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất một số địa phương trong nước, thế giới nên nguồn cung giảm.
Tuy nhiên, vụ này sản xuất thường gặp diễn biến bất thường của thời tiết khí hậu bất thường, cực đoan. Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm vụ Đông.
Với những nhóm cây trồng chủ lực như ngô, đậu tương, khoai, rau đậu, Cục Trồng trọt đặt mục tiêu ổn định diện tích vụ đông 2021 toàn miền Bắc đạt khoảng 400.000 ha, sản lượng 4,6 triệu tấn, tổng giá trị 34 - 35 nghìn tỷ đồng, và giá trị sản xuất tăng lên 85 triệu đồng/ha.
Do dự báo năm nay rét sớm, Cục Trồng trọt đề xuất tỷ lệ nhóm cây ưa ấm chiếm khoảng 55% diện tích gieo trồng. Cụ thể, gieo trồng cây ưa ấm trước ngày 10/10, cây ưa lạnh sau 10/10, riêng khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11, và trồng rải vụ các loại rau.
Ba nhiệm vụ trọng tâm
Một trong những tỉnh đi đầu cả nước về cả sản lượng, năng suất và giá trị rau vụ đông là Hải Dương. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Trần Văn Quân cho biết, trong vụ đông 2020, giá trị sản xuất trên mỗi hecta rau màu của tỉnh cao gấp 3 lần so với trồng lúa, và hơn 2,5 lần mức trung bình của các tỉnh phía Bắc.
Kinh nghiệm của Hải Dương, là lên kịch bản sớm và chú trọng kỹ thuật canh tác. Ông Quân cho biết: Nắm bắt được tình hình phía Trung Quốc bị mưa lũ trong tháng 7 - 8/2020, và miền Trung nước ta sẽ vào mùa mưa lũ vào tháng 9/2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Hải Dương vẫn sớm chủ động lên phương án tăng diện tích trồng rau vụ đông thêm 600 ha. Thường vụ, UBND và Sở NN&PTNT tỉnh nhất trí đẩy mạnh cây vụ đông, đặc biệt là cà rốt, bởi đây là những cây trồng cho hiệu quả kinh tế.
Về kỹ thuật, Hải Dương có nhiều sáng kiến, chẳng hạn như việc trồng cà rốt. Nông dân trên địa bàn, sau khi trộn đều hạt cà rốt với vôi bột, sẽ gieo thành hàng theo chiều dọc luống, tưới ẩm, rồi phủ kín rơm rạ lên mặt luống. Cách làm này vừa giúp giữ ẩm, lại giúp sạch cỏ trên vườn trồng. Vụ đông 2021, Hải Dương đặt mục tiêu thu hoạch 85.000 tấn cà rốt.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh, thành phố phía Bắc đẩy mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm từ giờ đến cuối năm 2021. Một là tận dụng triệt để các sản phẩm vụ đông. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh gợi mở ý tưởng, sử dụng rau màu làm thức ăn gia súc, hoặc chuyển dịch sang những loại cây như ngô sinh khối để chủ động về thời vụ.
Hai là kết hợp giữa lý thuyết với kiến thức bản địa của người dân để cải thiện các biện pháp kỹ thuật. Theo Thứ trưởng, một số địa phương như Vĩnh Phúc có những cách làm hay như trồng cây ngô bầu, hay Hưng Yên trồng nối ngô, bí trên ruộng lúa.
Cuối cùng, là xây dựng mã số vùng trồng cho cả thị trường nội địa. Quan điểm của Bộ NN&PTNT, là xây dựng một nền sản xuất trách nhiệm, truy xuất được nguồn gốc nông sản. Thứ trưởng giao Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT các tỉnh, thành nghiên cứu sâu, chi tiết, trước khi Bộ thí điểm ngoài thực tế.
Thời tiết thuận lợi
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, thời tiết vụ đông năm nay nhìn chung thuận lợi và có ít biến động. Điểm duy nhất người đứng đầu ngành thủy lợi lưu ý nông dân là biên độ mưa. Theo dự báo, tháng 9, 10/2021 sẽ cao hơn trung bình mọi năm; tháng 11, 12 giảm; và tháng 1, 2/2022 sẽ trở lại đà tăng.
"Dựa vào dự báo, bà con cần chuẩn bị kế hoạch làm đất, gieo trồng sớm hơn so với năm ngoái, vừa thích ứng với thời tiết, vừa đề phòng mưa trái mùa", ông Tỉnh nói.
Bên cạnh thời tiết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cũng khuyến cáo vấn đề lượng nước. Do một tổ máy của Thủy điện Hòa Bình sửa, mức nước cao nhất tại Hà Nội trong vụ đông chỉ dao động trong ngưỡng từ 1,8 - 1,9 mét.
Theo kinh nghiệm của ông Tỉnh, để vụ đông và vụ đông xuân sang năm đảm bảo lượng nước tưới, mực nước trung bình tại sông Hồng phải trên 2 mét. Do đó, để ứng phó với lượng nước thấp hơn, các tỉnh, thành phố cần tập trung lấy nước đồng bộ. Ngoài ra, địa phương phải chủ động đầu tư, kiên cố hóa hạ tầng thủy lợi./.
N.L.A (Tổng hợp)